HOME


Thumbs up Một chuyên viên quản trị mạng cần những kiến thức, kỹ năng, tố chất gì?



Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng máy tính như một công cụ làm việc thiết yếu. Điều này đồng nghĩa với việc cần người thiết lập hệ thống mạng máy tính và quản trị hệ thống ấy. Nhân vật đó chính là chuyên viên quản trị mạng. Vậy nghề quản trị mạng là nghề như thế nào? Đòi hỏi kỹ năng gì? Triển vọng thăng tiến ra sao? Anh Phạm Văn Tuyền, chuyên viên quản trị mạng cấp cao của một công ty IT nước ngoài, đã chia sẻ một số kinh nghiệm của mình.


Anh có thể phác họa đôi chút về công việc của một chuyên viên quản trị mạng. Nghề quản trị mạng đóng vai trò quan trọng ra sao đối với doanh nghiệp?


Chuyên viên quản trị mạng (CVQTM) giữ nhiệm vụ vận hành, khai thác, mở rộng và xử lý các sự cố liên quan đến hệ thống thông tin như quản lý các kết nối Intranet, Internet, quản lý hoạt động của các server như mail, DNS, web, database … Ngoài ra, CVQTM còn phụ trách nhiều công việc nho nhỏ khác như bấm cáp mạng, đi dây mạng, sửa nguồn điện … Nghề quản trị mạng đóng vai trò tối quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ nếu hệ thống e-mail của công ty bị trục trặc thì việc trao đổi e-mail giữa các phòng ban và đặc biêt là với khách hàng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hoặc nếu người quản trị mạng lơ là việc sao lưu dữ liệu định kỳ, khi hệ thống gặp sự cố, mọi thông tin quan trọng của cả công ty sẽ có nguy cơ “tan thành mây khói”.


Một CVQTM cần những kiến thức, kỹ năng và tố chất gì?


Bạn cần thật sự đam mê công nghệ và luôn chịu khó tìm tòi và trau dồi kiến thức. Kiến thức trong ngành CNTT thay đổi rất nhanh. Vì thế, bạn phải không ngừng học hỏi và cần lấy khá nhiều chứng chỉ từ sơ cấp đến nâng cao để không bị lạc hậu trong lĩnh vực luôn được cập nhật liên tục này.
Kỹ năng quan trọng nhất của một CVQTM là giải quyết vấn đề. Một CVQTM phải biết cách chủ động giải quyết các vấn đề về quản trị hệ thống, luôn sẵn sàng ứng phó với sự cố và có nhiều phương án xử lý sự cố. Về kiến thức, anh ta phải nắm vững bộ giao thức TCP/IP, am hiểu các hệ điều hành và trình ứng dụng, các nguyên tắc giải quyết sự cố phần cứng và phần mềm cũng như các đặc thù của hệ thống máy tính của mỗi phòng ban.


Trong nghề quản trị mạng, kinh nghiệm và bằng cấp, cái nào quan trọng hơn ?


Cả hai đều quan trọng, nhưng kinh nghiệm trội hơn một tí. Kinh nghiệm rất hữu ích khi phỏng vấn cũng như trong công việc, nhưng nếu không có bằng cấp thì bạn sẽ gặp khó khăn khi ứng tuyển vào các vị trí cao hơn. Nếu có bằng cấp mà không có kinh nghiệm thì bạn chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi làm việc, ít nhất là trong thời gian đầu. Lý tưởng nhất là có cả hai.


Cử nhân CNTT sau khi ra trường có thể làm quản trị mạng ngay được không?


Cử nhân CNTT mới ra trường, chưa từng tiếp cận thực tế với công nghệ và thiết bị mạng thì chắc chắn không thể làm quản trị mạng được. Các bạn trẻ cần có thời gian học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Ngay từ bây giờ, các bạn trẻ muốn tạo dựng sự nghiệp trong lĩnh vực này nên tranh thủ học các chứng chỉ về công nghệ quốc tế của Cisco hay Microsoft và không ngừng tích lũy kinh nghiệm thực tế.


Trong mỗi hệ thống chứng chỉ của Microsoft, Linux và Cisco, chứng chỉ nào là cao nhất?


Đối với Microsoft là MCSE còn Cisco là CCIE. Riêng Linux thì có rất nhiều hệ thống chứng chỉ như LPI, RedHat…


Trong tình hình kinh tế suy thoái hiện nay, anh nghĩ nhu cầu về CVQTM có bị suy giảm không?


Trong tình hình hiện nay thì tất nhiên có suy giảm, tuy nhiên mức độ sẽ thấp hơn so với các ngành khác. CNTT là nền tảng của hoạt động kinh doanh. Tất cả các doanh nghiệp bắt buộc phải có chuyên viên quản trị mạng để vận hành hệ thống.


Con đường tiến thân của chuyên viên quản trị mạng ra sao?


Nếu CVQTM có kiến thức chuyên môn vững, kỹ năng chuyên sâu về công nghệ, bản lĩnh và có kỹ năng quản lý thì chắc chắn con đường tiến thân sẽ rất sáng sủa. Họ sẽ đi từ Chuyên viên quản trị hệ thống hoặc mạng (System/Network Administrator) đến Chuyên viên quản trị cấp cao (Senior System/Network Administrator) hoặc Trưởng nhóm (Leader), Trưởng phòng IT (IT Manager), cuối cùng là Giám đốc IT (IT Director). Thời gian thì tùy thuộc vào nỗ lực và trình độ chuyên môn của mỗi người. Có người còn rất trẻ đã giữ vị trí Trưởng nhóm hoặc thậm chí là cao hơn.


Mức lương trong ngành này như thế nào?


Lương người mới vào nghề khoảng 200 - 300 USD. Nếu có 2-3 năm kinh nghiệm thì lương từ 500 USD – 800 USD. Trưởng nhóm có mức lương 900 – 1.200 USD, còn Trưởng phòng IT giỏi thì lương tới trên 1.500 USD. Giám đốc IT tối thiểu là 3.000 USD. Nói chung, nếu bạn có kiến thức chuyên môn và kỹ năng quản lý tốt thì các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng trả mức lương vượt khung.


Xin cảm ơn anh rất nhiều!


Quản trị mạng không phải là một nghề nhàn hạ. Sự cố mạng máy tính có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngoài giờ làm việc, vào ngày nghỉ cuối tuần… Chuyên viên quản trị mạng phải luôn sẵn sàng(cho ngay mai) xử lý cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường. Tuy nhiên, đây lại là một nghề lương cao với nhiều cơ hội thăng tiến. Vì thế, nếu đam mê công nghệ và thích thử thách, bạn cứ mạnh dạn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này!